Những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với các tầng lớp khác nhau trong nhân dân

Những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với các tầng lớp khác nhau trong nhân dân


1. Đạo đức công dân

Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân ta có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trong mùa thu hoạch lúa (1954) - Ảnh tư liệu.

- Tuân theo pháp luật Nhà nước. 

- Tuân theo kỷ luật lao động. 

- Giữ gìn trật tự chung. 

- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. 

- Hăng hái tham gia công việc chung. 

- Bảo vệ tài sản công cộng. 

- Bảo vệ Tổ quốc. 

Trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của sức người. Điều đó tỏ rằng đại đa số nhân dân ta đã tự giác tự động làm trọn nghĩa vụ của người chủ nước nhà. 

Nhưng vẫn có một số ít người không làm đúng như vậy. Họ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. Thậm chí có những người phá hoại pháp luật (như tham ô, buôn gian lậu thuế, trộm cắp, lưu manh...). 

Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc. Giáo dục có nhiều cách: giúp quần chúng giáo dục quần chúng bằng cách tự phê bình và phê bình để dạy dỗ lẫn nhau. Cán bộ giáo dục quần chúng bằng cách vạch rõ âm mưu của địch, lấy sự thật mà giải thích cho quần chúng rõ địa vị cao quý của người chủ nước nhà, lực lượng xây dựng to lớn của ta, tương lai vẻ vang của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người. Giáo dục là chính, nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân.

2. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. 

Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp và thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

Thư gửi các giới công thương Việt Nam, ngày 13-10-1945, sđd, t. 4, tr. 49.

3. ... Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn bức thư các vị đã gửi cho chúng tôi. Trong thư nói: 

“Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại”. 

Câu nói nhiệt thành đó tỏ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu...

Lời cảm ơn đồng bào công giáo, ngày 14-10-1945, sđd, t. 4, tr. 50.

4. ... Hiện nay toàn quốc đồng bào ta, công giáo và ngoại công giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức tranh đấu để giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc! Ngoài sa trường thì xương máu của chiến sĩ công giáo và ngoại công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để ngăn cản kẻ thù chung là bọn thực dân Tây. Ở khắp nơi trong nước, thì đồng bào công giáo và ngoại công giáo đương đem cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc! Tinh thần hy sinh phấn đấu tức là noi theo tinh thần cao thượng của đức Chúa Giêsu.

Thư gửi các vị Linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam ngày 25-12-1945, sđd, t. 4, tr. 121.

5. ... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. 

Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta. Bác Hồ với đại biểu các dân tộc ít người trong Quốc hội (1963) - Ảnh tư liệu

Ngày nay Việt Nam là nước chung của chúng ta... 

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.  

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. 

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.

Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu, ngày 19-4-1946, sđd, t. 4, tr. 217-218.

(theo Một số lời dạy và mẫu chuyện về 

TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

– NXBCTQG)